Thiếu máu là bệnh thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Hiện nay, thiếu máu ở phụ nữ mang thai là một vấn đề sức khỏe được quan tâm nhất ở nhiều quốc gia. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng, ở Việt Nam có 36,8% phụ nữ thiếu máu khi mang thai. Thiếu máu thai kỳ để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ của cả mẹ và bé. Chính vì vậy, khi mang thai, các mẹ cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề này. Bài viết sau đây sẽ chỉ ra nguyên nhân gây thiếu máu ở phụ nữ có thai cũng như những ảnh hưởng của thiếu máu đến sức khoẻ mẹ và bé.
Mục Lục
Thiếu máu ở phụ nữ mang thai
Theo Tổ chức y tế thế giới WHO, hiện có khoảng 30% dân số thế giới bị thiếu máu. Chủ yếu là thiếu máu do thiếu sắt. Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng bị thiếu máu thường gặp nhất. Thiếu máu ở bà bầu thường có biểu hiện mệt mỏi yếu sức, rụng tóc, móng tay móng chân và niêm mạc miệng môi mắt nhợt nhạt, trường hợp nặng sắc mặt trắng xanh, phù nhẹ, mất sức, đầu váng tai ù, tim hoảng hốt, hụt hơi, ăn kém, bụng đầy, rối loạn đại tiện lúc táo lúc lỏng. Thiếu máu trong thai kì được xác định khi tỷ lệ hemoglobin (Hb)<110g/L. Và tình trạng thiếu máu nặng nếu Hb < 70g/L.
Nguyên nhân gây thiếu máu khi mang thai
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu. Có thể do chảy máu, tan máu hoặc do giảm sinh máu. Chiếm đa phần trong các trường hợp thiếu máu ở các mẹ bầu là do thiếu nguyên liệu tạo máu, đặc biệt là sắt. Trong quá trình sinh hồng cầu cần một số thành phần như: sắt, vitamin B12, acid folic,… Cơ thể mẹ khi mang thai có nhu cầu về các thành phần này gấp đôi người bình thường. Lúc này sắt ngoài tham gia tạo máu còn có nhiệm vụ giúp thai nhi phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ.
Đặc biệt là 3 tháng cuối thai kì, nhu cầu về sắt tăng rất nhiều. Nếu mẹ bầu ở giai đoạn đầu không thiếu máu thì cũng không có nghĩa là mẹ bầu sẽ không thiếu máu trong suốt thai kì. Tình trạng thiếu máu không được cải thiện kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Ảnh hưởng do thiếu máu thai kỳ đến sức khoẻ thai phụ
Thiếu máu ở bà bầu gây nên tình trạng thiếu oxy ở các tổ chức. Đặc biệt ở một số cơ quan như tim, não… Tình trạng này có thể gây những hậu quả nặng nề cho mẹ và con. Đối với mẹ: Dễ sảy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sanh, nhiễm trùng hậu sản.
Các bác sĩ đã coi thiếu máu, thiếu sắt trong thời kỳ thai nghén là một đe dọa sản khoa. Với thiếu máu nhẹ, sẽ không có gì nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Mẹ bầu thiếu máu sẽ hơi chóng mặt một chút. Nhưng với mẹ bầu bị thiếu máu nặng, có nhiều nguy cơ đặc biệt nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Như: tăng nguy cơ sảy thai, nhau tiền đạo, bong nhau non, huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, vỡ ối sớm, nguy cơ băng huyết…. Ngoài ra, vấn đề băng huyết sau sinh sẽ có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng người mẹ thiếu máu thai kỳ.
Ảnh hưởng của trẻ sinh ra bởi mẹ thiếu máu thai kỳ
Những đứa trẻ sinh ra bởi những người mẹ thiếu máu thai kỳ cũng dễ bị thiếu máu. Trẻ thường nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai tăng khả năng bị các bệnh sơ sinh hơn so với bình thường. Trẻ sơ sinh thiếu máu do thiếu sắt có thể gây ra ảnh hưởng lâu dài tới phát triển trí não và hậu quả của nó có thể tiếp tục làm suy giảm khả năng học tập của trẻ. Do khiếm khuyết trong quá trình hình thành myelin do thiếu sắt. Đứa con của những bà mẹ thiếu máu thai kỳ ở giai đoạn sớm thai kỳ có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác khi đến tuổi trưởng thành.
Khi còn trong tử cung của mẹ, cơ thể thai nhi đã bắt đầu tích trữ sắt. Để sau khi ra đời tạo thành huyết sắc tố. Lượng tích trữ sắt của bé sơ sinh đủ tháng bình thường là 250 – 300mg. Lượng này đủ cho nhu cầu tạo huyết 3 – 4 tháng sau sinh. Nếu lượng sắt tích trữ không đủ đều dễ phát sinh thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ sơ sinh.
Hơn nữa, sau khi sinh, sữa mẹ là nguồn cung cấp chất sắt duy nhất. Sữa mẹ tuy có ít sắt nhưng được cơ thể trẻ hấp thụ hoàn toàn. Nếu trẻ không được bú mẹ đầy đủ sẽ bị thiếu sắt dẫn đến bệnh thiếu máu. Đặc biệt, nếu trẻ không bú mẹ mà ăn sữa ngoài (ăn sữa bò) mà dị ứng có thể thiếu máu mạn tính.
Dự phòng thiếu máu khi mang thai
Bà mẹ mang thai nên tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt sau đây khi bị thiếu máu khi mang thai:
– Bổ sung chất sắt dưới dạng viên hoặc dạng nước. Ngoài ra nên bổ sung sắt qua các loại thực phẩm hằng ngày như thịt có màu đỏ. Ví dụ như thịt bò, cá, gan, lòng đỏ trứng, rau xanh, các loại đậu,… Trong đó trứng gà là thực phẩm có nhiều protein, canxi, photpho, sắt, chất khoáng…. Mỗi tuần bà bầu có thể ăn từ 3 đến 4 quả trứng gà.
– Do nhu cầu sắt và acid folic ở của phụ nữ mang thai tăng cao nhưng chế độ ăn khó đáp ứng đủ nên WHO khuyến nghị phụ nữ mang thai cần uống bổ sung sắt và acid folic với liều 60 mg sắt nguyên tố và 400mcg acid folic mỗi ngày. Uống bổ sung sắt và acid folic cần uống đều đặn hàng ngày kể từ khi phát hiện có thai cho đến sau khi sinh 1 tháng.
– Để hấp thụ sắt tốt nhất bà bầu nên uống khi đói. Lưu ý trước và sau khi uống viên sắt thì không nên uống trà, cà phê hoặc sữa. Bởi nó sẽ cản trở sự hấp thụ sắt. Để hỗ trợ cho quá trình hấp thụ sắt được diễn ra một cách tốt nhất, bà bầu nên bổ sung vitamin C có trong các loại trái cây, rau xanh, …
Discussion about this post