Nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế chủ lực ở Việt Nam, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số hàng hóa tiêu thụ và xuất khẩu mỗi năm. Tuy nhiên không phải loại nông sản nào cũng phát triển, trong những năm gần đây thị trường mía đường Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Giá cả phân bón tăng cao, người dân không còn mặn mà với việc trồng mía. Tổng sản lượng đường mía trong nước giảm mạnh về cả chất và lượng. Người tiêu dùng trong nước không còn tin vào đường Việt Nam mà dần tìm đến những thương hiệu đường nhập lậu với giá cả rẻ hơn. Nếu tình trạng nhập lậu hàng hóa không được giải quyết sớm thì ngành đường mía Việt Nam sẽ lâm vào bế tắc.
Mục Lục
Ngành mía đường Việt Nam gặp nhiều khó khăn
Ông Cao Anh Đương, quyền Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, trong niên vụ 2020-2021, người nông dân không mặn mà với cây mía. Điều này dẫn đến năng suất, chất lượng và sản lượng mía đều giảm. Diện tích trồng mía đã giảm 19,83% so với vụ trước. Thậm chí có những vùng trồng mía bị xóa sổ.
Không ít doanh nghiệp, cũng lâm vào tình trạng làm ăn thua lỗ, nợ tiền thuế, tiền lương, BHXH cho công nhân và tiền thu mua mía của người nông dân. Số lượng các nhà máy bị đóng cửa ngày càng tăng. Tính đến cuối tháng 10, đã có tới 17 nhà máy mía đường bị phá sản.
Nguồn mía nguyên liệu đang dần cạn kiệt
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng cho biết, niên vụ ép mía 2020-2021 đã kết thúc sớm hơn thường lệ vì hết nguyên liệu. Lũy kế đến cuối tháng 2/2021, toàn ngành ép được hơn 3,7 triệu tấn mía. Đưa vào sản xuất được gần 369.000 tấn đường. So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2019-2020, sản lượng mía ép chỉ đạt 72,3%. Đồng thời sản lượng đường chỉ đạt 71,3%. Ước tính sản lượng đường của cả vụ 2020-2021 chỉ còn khoảng trên dưới 550.000 tấn. Đây là sản lượng thấp nhất từ trước đến nay.
Cũng trong tình trạng thiếu nguyên liệu cho sản xuất đường, ông Hồ Nhẫn, Tổng Giám đốc Vietsugar cho biết, hiện nay, nhà máy đường của công ty có công suất 8.000 tấn mía/ngày nên mỗi niên vụ nhà máy cần khoảng 600.000-700.000 tấn mía nguyên liệu, tương đương với khoảng 12.000 ha mía. Trong khi đó niên vụ sản xuất 2020-2021, vùng nguyên liệu mía công ty thu mua chỉ đạt 4.900 ha (trong đó 3.900 ha được công ty đầu tư). Năng suất mía bình quân đạt 49 tấn/ha, sản lượng mía thu mua tăng 28% so với niên vụ trước. Nhưng vẫn chưa đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động.
Đường nhập lậu ồ ạt đổ vào thị trường Việt Nam
Nghịch lý là trong khi nông dân “ngãng” ra với cây mía, doanh nghiệp nếm vị đắng sản xuất đường thì thị trường tiêu thụ vẫn được cho là mảnh đất mang vị ngọt cho đường nhập khẩu cũng như đường nhập lậu tấn công. Mặc dù Bộ Công Thương đã có chính sách chống bán phá giá. Và qua đó giúp các nhà máy tăng giá thu mua mía. Có chính sách hỗ trợ cho quyền tự chủ trên sân nhà của nhà nông và doanh nghiệp. Nhưng càng về cuối năm, tình trạng đường “quá giang” từ Thái Lan, Malaysia… và nhiều nguồn khác đến Việt Nam vẫn tăng.
Cùng với đó cuối tháng 9 đã Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2171 về điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa chấm dứt. Còn doanh nghiệp mía đường nội chỉ biết trông chờ vào “thái độ” yêu hàng Việt của người Việt?
Discussion about this post