Mít Thái là cây trồng không quá mới nhưng phát triển ở nhiều địa phương trong thời gian gần đây. Nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư trồng giống mít này vì giá cả quá hấp dẫn. Tuy nhiên, giá mít hiện tại đang có xu hướng giảm mạnh ở nhiều khu vực. Từ vài chục nghìn một ký, giá mít hiện tại xuống rất thấp, thậm chí là 2.000 đồng/kg. Nguyên nhân do thị trường tiêu thụ mít nước ta quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Ảnh hưởng dịch bệnh khiến Trung Quốc giảm nhập khẩu nông sản, cây mít Thái mất đầu ra. Chi phí chăm sóc mít Thái quá cao trong khi đầu ra khó khăn khiến người nông dân đứng ngồi không yên.
Mục Lục
Mít Thái giảm giá mạnh
Tại Đắk Lắk, giá mít cắt ở vườn chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg, loại quả 6 kg trở lên. Tại Hậu Giang, giá mít xô tại vườn giảm còn 6.000-9.000 đồng/kg, mít chợ có giá chỉ 2.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Văn Đô, trú lại Buôn Hồ (Đắk Lắk) chia sẻ với chúng tôi, gia đình anh có khoảng 300 cây mít Thái siêu sớm, trồng khoảng 14 tháng cho trái, năm nay là năm thứ 3 được thu hoạch. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay giá mít liên tục xuống thấp khiến anh đứng ngồi không yên.
“Vụ này gia đình tôi ước tính thu hoạch được khoảng 22 tấn mít Thái. Nhưng giá đẹp nhất cũng chỉ được 12.000 đồng/kg, loại kém được xếp vào loại mít chợ thì chỉ 2.000 -3.000 đồng/kg. Giá mua xô cả vườn thì 5.000 – 6.000 đồng/kg”. Theo anh Đô, giá rẻ nhưng tiêu chuẩn mít nhất cũng thay đổi. Trước kia, nếu chỉ dựa vào cân nặng từ 10kg/trái, trái tròn thì được xếp vào mít nhất. Hiện tại, nếu cuống mít hay vỏ mít bị đen, múi đạt thì vẫn bị loại.
Rơi vài tình cảnh tương tự, ông Hoàng, chủ vườn 2 ha mít ở Tiền Giang cho biết, cách đây một tuần, giá mít thái loại 1 vẫn ở mức 25.000 đồng một kg. Nhưng nay rộ mùa, giá giảm còn một nửa. Mít loại 2,3 còn rẻ hơn nhiều. “Mỗi tấn mít bán xô, tôi chỉ thu được khoảng 7-10 triệu đồng. Số tiền này đủ trả chi phí phân bón và công chăm sóc chứ không có lãi”, ông Hoàng nói.
Tiêu thụ mít còn quá phụ thuộc vào Trung Quốc
Lý giải nguyên nhân rớt giá mạnh, nhiều chủ vựa mít cho hay, gần đây Việt Nam gia tăng diện tích mít quá nhanh, không chỉ ở miền Tây mà cả miền Đông, Tây Nguyên cũng trồng nhiều mít. Trong khi tiêu thụ phụ thuộc Trung Quốc. Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên việc vận chuyển khó khăn. Mà hiện tại mít Thái lại đang vào vụ khiến giá càng giảm sâu. Trong khi đó, nhiều nhà vườn thua lỗ vì chi phí chăm sóc cao. Trong khi hoạt động tưới tiêu tốn kém.
Thực tế cho thấy, nông sản Việt Nam nhiều lần rơi vào tình trạng ùn ứ khi phía Trung Quốc có động thái ngừng thu mua, điều đó cho thấy doanh nghiệp Việt Nam quá phụ thuộc vào một thị trường, khiến nông sản Việt rơi vào thế bị động. Để giải quyết nút thắt này đòi hỏi doanh nghiệp, cơ quan quản lý phải tìm đến những thị trường xuất khẩu mới, bền vững, tránh tình trạng khi một thị trường dừng mua hàng thì nông sản của Việt Nam ngay lập tức rơi vào tình trạng khó khăn tiêu thụ.
Sản lượng mít ở nước ta
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, ước tính năm 2020; cả nước có khoảng 59.900 ha mít, sản lượng ước đạt khoảng 557.948 tấn. Trong đó, riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng hơn 30.000 ha, sản lượng trên 300.000 tấn.
Còn khu vực Đông Nam Bộ có trên 12.500 ha với sản lượng khoảng 112.000 tấn. So với năm ngoái, diện tích trồng mít vẫn đang tăng mặc dù ngành nông nghiệp nhiều lần cảnh báo rủi ro việc nông dân mở rộng diện tích ồ ạt khi xuất khẩu đang phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc.
Thực tế, không có bất kỳ ngành hàng nào có thể chiếm lĩnh thị trường một cách ổn định, lâu dài tuyệt đối. Dòng vốn sẽ lưu động liên tục và đổ vào những nơi có lợi nhuận hấp dẫn nhất. Nhiều người đang ôm tiền tỉ về Tiền Giang, Vĩnh Long tìm mua đất trồng mít hi vọng giá mít vẫn ở mức cao, trong thời gian không quá ngắn. Điều này sẽ có khả năng gây ra những hậu quả lớn khi cung vượt cầu.
Discussion about this post