Lời xin lỗi – lời nói được xem là khó thốt nên lời nhất của con người. Khi phạm phải sai lầm, ta luôn được dạy rằng phải lên tiếng xin lỗi người liên quan. Thế nhưng đâu phải ai cũng thật sự làm được điều này khi câu xin lỗi trên môi là quá khó để thốt lên thành lời. Thực chất lời xin lỗi mang rất nhiều ý nghĩa và không việc gì phải xấu hổ khi nhìn nhận lỗi lầm của mình. Vì con người chẳng ai là hoàn hảo. Ai cũng sẽ phải trải qua những sai lầm lớn hoặc nhỏ. Và điều chúng ta cần làm là nhìn nhận vấn đề và biết lỗi của mình. Từ đó bạn sẽ hiểu được bản thân hơn và phát triển tốt hơn bao giờ hết.
Mục Lục
Khi phạm sai lầm phải làm gì?
Một người khi phạm phải sai lầm hay bị người khác chỉ ra khuyết điểm thì nên là cực lực giải thích hay là nên thẳng thắn thừa nhận lỗi lầm? Một người khi bị người khác hiểu lầm thì nên mỉm cười mà bỏ qua. Tin rằng bản thân thanh sạch thì tự sẽ thanh sạch, hay giận dữ mà chỉ trích lại?
Khi đối mặt với sai lầm, khuyết điểm của người khác thì lựa chọn khoan dung hay phê bình, thậm chí là chế nhạo hay giễu cợt đều là có liên quan đến phẩm chất đạo đức của người ấy. Sách “Luận ngữ: Vệ Linh Công” có ghi rằng: “Cung tự hậu nhi bạc trách vu nhân”, ý tứ chính là trách cứ mình nhiều hơn, trách cứ người ít hơn. Hay nói cách khác chính là đối với bản thân mình phải nghiêm khắc yêu cầu còn đối với người phải rộng lượng khoan dung.
Trong lịch sử cũng có rất nhiều người hiền tài, tướng sĩ đã làm được như lời trên. Điển hình là Phạm Thuần Nhân. Phạm Thuần Nhân là đại thần của thời Bắc Tống được xưng là “tể tướng áo vải”. Ông là con trai thứ hai của tể tướng Phạm Trọng Yêm. Mặc dù về trình độ học vấn, Phạm Thuần Nhân không thể sánh bằng với cha ông. Nhưng ông lại có khí phách mà người thường khó có thể làm được.
Câu chuyện của Phạm Thuần Nhân và Trình Di
Phạm Thuần Nhân có mối quan hệ tốt đẹp với Trình Di – một học giả Nho giáo của Bắc Tống. Một hôm, Trình Di tới thăm Phạm Thuần Nhân ngay khi Phạm Thuần Nhân vừa nghỉ hưu. Lúc hai người nói về chuyện cũ, Phạm Thuần Nhân bày tỏ nỗi nhớ nhung về quãng thời gian ông còn làm tể tướng.
Trình Di nghe xong không thấy thỏa đáng liền thẳng thắn nói: “Năm đó, có rất nhiều sự tình ngài đã xử lý không tốt. Chẳng lẽ ngài không cảm thấy hổ thẹn sao?”
Phạm Thuần Nhân nghe xong không hiểu rõ Trình Di nói như vậy là có ý chỉ về việc gì.
Trình Di lại nói: “Vào năm thứ hai khi ngài đang đảm nhiệm chức vụ. Một vùng ở Tô Châu xảy ra nạn cướp bóc, chiếm đoạt lương thực bởi một nhóm người. Theo lý, ngài nên trình bày thẳng thắn sự việc ấy trước mặt Hoàng Thượng. Nhưng ngài lại không nói bất kể điều gì. Khiến cho rất nhiều dân chúng vô tội bị trừng phạt rất nghiêm khắc.”
Phạm Thuần Nhân nhận lỗi
Phạm Thuần Nhân liền vội vàng cúi đầu nhận lỗi: “Đúng vậy! Lúc đó tôi thực sự nên thay mặt dân chúng nói rõ ra.”
Trình Di nói tiếp: “Vào năm thứ ba khi ngài đang đương chức. Tại Ngô Trung xảy ra thiên tai, dân chúng dùng cỏ cây để ăn chống đói. Mặc dù quan viên tại địa phương báo cáo nhiều lần, thế mà ngài lại bỏ mặc.”
Phạm Thuần Nhân vô cùng xấu hổ nói: “Việc này đúng là tôi đã không làm tròn trách nhiệm của mình!”
Sau đó, Trình Di lại vạch ra rất nhiều khiếm khuyết mà Phạm Thuần Nhân đã mắc phải và Phạm Thuần Nhân mỗi lần nghe xong đều chân thành nhận lỗi.
Cách xử lý của Hoàng Thượng
Sau cuộc gặp mặt ấy mấy hôm, Hoàng Thượng triệu kiến Trình Di vào cung để hỏi về việc triều chính. Trình Di đã nói rất nhiều về kế sách “trị quốc an bang” với Hoàng Thượng. Hoàng Thượng nghe xong tán thưởng không ngừng và cảm khái nói: “Ngươi rất có khí phách giống như Phạm Thuần Nhân trước đây!”
Trình Di không cam lòng để Hoàng Thượng so sánh mình với Phạm Thuần Nhân liền nói: “Chẳng lẽ, Phạm Thuần Nhân cũng đã từng góp ý với Hoàng Thượng sao?”
Hoàng Thượng bèn sai người mang lên một chiếc hòm. Chỉ vào đó rồi nói: “Trong này tất cả đều là tấu chương mà năm xưa Phạm Thuần Nhân đã dâng lên trẫm.”
Trình Di cảm thấy nghi hoặc mở những bản tấu chương ra xem. Lúc này, ông mới phát hiện ra có nhiều tấu chương nhắc đến những sự tình mà ông đã trách mắng Phạm Thuần Nhân mấy hôm trước. Hóa ra Phạm Thuần Nhân đã có góp ý với Hoàng Thượng. Nhưng vì có một vài nguyên nhân khiến cho việc áp dụng những góp ý này không mang lại được kết quả tốt đẹp. Vậy mà, Phạm Thuần Nhân đều chân thành nhận lỗi về mình không một lời giải thích. Trình Di đỏ mặt và trầm ngâm.
Trình Di xin lỗi Phạm Thuần Nhân
Ngay ngày hôm sau, Trình Di lập tức đến nhà Phạm Thuần Nhân xin lỗi. Phạm Thuần Nhân nghe xong, mỉm cười rồi nói: “Người không biết không có tội, ngài không cần phải xin lỗi!”
Phạm Thuần Nhân từng nói rằng: “Biết tha thứ người khác, điều nhận được sẽ là vô tận. Tha thứ là dùng tấm lòng rộng lượng của mình để khoan dung người khác. Đối mặt với người trách cứ mình, ngẩng đầu giải thích cùng họ không bằng cúi đầu nhận lỗi. Khiêm tốn nhận lỗi thường có sức mạnh và tác dụng lớn hơn nhiều so với việc bướng bỉnh giải thích”. Bởi vậy mà nhắc đến Phạm Thuần Nhân, không chỉ bậc Quân vương mà cả người dân thường cũng đều rất bội phục lòng khoan dung, độ lượng của ông.
Ý nghĩa của câu xin lỗi
Xin lỗi là một hành động tự nhận khuyết điểm, sai lầm về mình. Đồng thời là sự đồng cảm, sẻ chia với người bị ta làm tổn thương, thiệt hại. Lời xin lỗi được xem là cách chứng tỏ lòng kính trọng và thiện cảm với người bị hàm oan.
Văn hóa xin lỗi là vẻ đẹp cao quý trong đời sống giao tiếp của con người. Việc nhận ra lỗi lầm và chân thành nói lời xin lỗi để mong được tha thứ sẽ làm dịu bớt cơn giận dữ hoặc nỗi đau của người khác. Bởi vậy, lời xin lỗi mang tính nhân văn cao trong đời sống. Có ý nghĩa về sự đồng cảm và sẻ chia với người bị ta làm tổn thương.
Discussion about this post