Trong thời buổi xã hội ngày càng phát triển, “chuyển đổi số” là cụm từ không còn xa lạ gì. Vậy bạn có thực sự hiểu rõ về chuyển đổi số? Bạn có biết nó quan trọng như thế nào hay không? Có thể bạn nghe nó rất nhiều lần nhưng không chắc là bạn sẽ biết tất cả về nó. Chuyển đổi số là việc làm rất quan trọng và tương lai nó sẽ quan trọng hơn nữa. Hiện nay trên thị trường gồm rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển chuyển đổi số. Tuy nhiên, giữa các lĩnh vực trên thị trường, ta nên chọn lĩnh vực nào để đi đầu trong chuyển đổi số? Theo thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tài chính ngân hàng sẽ là lĩnh vực đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Mục Lục
Chuyển đổi số là gì?
Chuyển đổi số là việc vận dụng tính luôn đổi mới, nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật để giải quyết vấn đề. Khái niệm này được ra đời trong thời đại bùng nổ Internet. Nó mô tả những hoạt động đổi mới một cách mạnh mẽ và toàn diện trong cách thức hoạt động của toàn doanh nghiệp, ở tất cả những khía cạnh như cung ứng, sản xuất, hợp tác, mối quan hệ khách hàng. Thậm chí là nó chỉ tạo ra những doanh nghiệp mới với cách thức hoạt động mới mẻ hoàn toàn.
Chuyển đổi số có tác động đến những tổ chức hay doanh nghiệp. Ngoài ra, nó còn tác động đến những nhóm đối tượng khác xoay quanh như là khách hàng, đối tác,… Việc tác động toàn diện vào đời sống hiện nay, khái niệm chuyển đổi số được sử dụng bừa bãi. Điều này khiến khái niệm chuyển đổi số bị nhầm lẫn với những khái niệm khác như số hóa và ứng dụng số hóa (digitalization).
Tài chính ngân hàng đi đầu trong chuyển đổi số
Sáng 24/11 (giờ địa phương), tại Tokyo, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự cuộc gặp, làm việc với các lãnh đạo tập đoàn lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Những lợi thế của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế và chuyển đổi số, nổi bật là nền kinh tế tăng trưởng nhanh, có độ mở cao, đã ký 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nước, gồm các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN… Việt Nam có khả năng thích ứng và đón nhận các xu thế phát triển lớn trên thế giới. Bao gồm công nghệ số, chuyển đổi số là rất rõ rệt.
Việt Nam đã có chương trình chuyển đổi số quốc gia tới năm 2025. Định hướng tới năm 2030, sẽ có 3 trụ cột về kinh tế số, xã hội số, chính phủ số. Trong quá trình đó, Việt Nam xác định người dân là trung tâm, là chủ thể. Việt Nam cũng đang sở hữu cơ cấu dân số vàng với lực lượng lao động trẻ đông đảo, nhanh nhạy. Lực lượng Việt Nam giàu tiềm năng để thực hiện chuyển đổi số. Doanh nghiệp và người dân Việt Nam tích cực hưởng ứng và tham gia quá trình chuyển đổi số. Ngành công nghệ thông tin, viễn thông đang phát triển mạnh.
Hiện đại hóa nhanh lĩnh vực tài chính ngân hàng
Về một số vấn đề cụ thể mà các đại biểu quan tâm, Thủ tướng chia sẻ chủ trương của Việt Nam là hiện đại hóa nhanh lĩnh vực tài chính ngân hàng để các lĩnh vực này đi đầu trong chuyển đổi số. “Cũng như các quốc gia, Việt Nam có cách tiếp cận riêng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình, nhưng không tách rời cách tiếp cận chung của thế giới, bởi chỉ như thế thì chúng ta mới có thể hợp tác được”, Thủ tướng nói.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số tại Việt Nam. Trong 20 năm, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mới đạt 12%. Tuy nhiên, chỉ với 1 quý trong dịch Covid-19, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi, lên 24%. Việt Nam có 80% học sinh, sinh viên học trực tuyến, cao hơn trung bình của OECD (hơn 60%).
Về nhân lực, Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin. Trong giai đoạn 2025-2030, Việt Nam cần 2-2,5 triệu lao động cho lĩnh vực này. Do đó, Việt Nam sẽ triển khai các chính sách đào tạo như: Thí điểm xây dựng các chuyên ngành về chuyển đổi số. Hoặc chương trình đào tạo hoàn toàn trực tuyến với chất lượng cao hơn, tốc độ nhanh hơn.
Lấy thực tiễn làm thước đo cho quá trình chuyển đổi số
Trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế chuyển đổi số trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.
Cùng với đó, Việt Nam đã có chương trình đào tạo nguồn nhân lực. Trước hết là nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của người dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số… “Chuyển đổi số không chỉ có sự dẫn dắt của Chính phủ mà còn có sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, người dân và doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Dành nguồn lực tài chính phù hợp, hiệu quả, khoa học cho chuyển đổi số. Nhà nước đang đầu tư về công nghệ, nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh hợp tác công tư trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước có hạn. Cần dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội.
Mục tiêu kinh tế số của Việt Nam
Đóng góp của kinh tế số vào nền kinh tế Việt Nam đang tăng rất nhanh. Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Chương trình chuyển đổi số của Việt Nam gắn kết chặt chẽ với chương trình tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu… Hướng tới mục tiêu cuối là ấm no và hạnh phúc của dân, phù hợp với xu thế thế giới.
Việc hợp tác chuyển đổi số cũng góp phần giúp Việt Nam triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thông tin thêm, Việt Nam đang triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mục tiêu tới năm 2025, có 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Việt Nam đang có tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ chương trình. Và tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số. Các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tích cực tham gia vào quá trình này.
Discussion about this post