Trong thời kỳ cuộc Cách mạng 4.0, mọi người dần nghe nhiều hơn về khái niệm “Kinh tế số”. Kinh tế số được biết như là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số. Đặc biệt là mọi giao dịch điện tử đều được tiến hành thông qua Internet. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực, nền kinh tế mà công nghệ số được áp dụng. Kinh tế số là một ứng dụng nền tảng để phát triển kinh tế bắt kịp xu hướng thời đại. Hiện nay, Việt Nam đang ngày càng cố gắng phát triển kinh tế số và có thể chiếm 20% GDP năm 2025. Để đạt được con số này thì đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp điện toán đám mây phải đóng góp 1% GDP.
Mục Lục
Điện toán đám mây là gì?
Điện toán đám mây là việc cung cấp tài nguyên máy tính cho người dùng tùy theo mục đích sử dụng thông qua kết nối Internet. Nguồn tài nguyên đó có thể là bất kì thứ gì liên quan đến điện toán và máy tính. Ví dụ như phần mềm, phần cứng, hạ tầng mạng cho đến các máy chủ và mạng lưới máy chủ cỡ lớn. Hiện nay, các công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây chia thành 3 loại lớn như sau:
– Infrastructure as a Service hay còn là Hạ tầng được cung cấp như một dịch vụ. Theo Amazon thì nó là mức cơ bản nhất của điện toán đám mây. Thường các dịch vụ IaaS sẽ bán cho bạn về mạng, máy tính, cũng như nơi lưu trữ dữ liệu.
– Amazon Web Services hay DigitalOcean là những dịch vụ tiêu biểu cho kiểu IaaS. Bạn sẽ lên đó chọn máy chủ, sau đó tự bạn phải chọn và cài hệ điều hành. Sau khi chọn xong thì phải cài thêm các phần mềm khác cần thiết cho ứng dụng của mình. Nếu bạn muốn xài máy chủ cho trang web thì phải cài các phần mềm liên quan đến web server. Nếu muốn xài máy chủ đó là cơ sở dữ liệu thì cài cơ sở dữ liệu vào,…
– Software as a Service (SaaS): Đây là phần top cao nhất trong sơ đồ phân loại dịch vụ đám mây. Nó là một sản phẩm hoàn thiện được vận hành và quản lý bởi một nhà cung cấp. Trong hầu hết trường hợp thì người ta dùng SaaS để nói về phần mềm có thể được dùng ngay bởi người dùng cuối.
Thực trạng điện toán đám mây ở Việt Nam
Tại hội thảo về hiện trạng và định hướng phát triển điện toán đám mây tại Việt Nam tổ chức ngày 22/11, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây trong nước chủ động hợp tác, đề xuất các chính sách để chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Số liệu thị trường đám mây tại Việt Nam
Hiện nay ở Việt Nam có bốn mô hình cung cấp dịch vụ điện toán đám mây (cloud). Bao gồm: đám mây công cộng, đám mây riêng, đám mây lai và đám mây cộng đồng. Dẫn số liệu thị trường cloud trong và ngoài nước, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Việt Nam hiện có 39 nhà cung cấp dịch vụ đám mây, 27 trung tâm dữ liệu của 11 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt chỉ chiếm 19,68% thị phần. Các doanh nghiệp nước ngoài chiếm khoảng 80,32%. Tổng giá trị thị trường điện toán đám mây năm 2020 là 196,11 triệu USD. Dự báo năm 2026 là 603,34 triệu USD, tốc độ tăng trưởng đạt 18,8%/năm.
Theo đánh giá của Cục Viễn thông, lợi thế của các doanh nghiệp điện toán đám mây Việt là thương hiệu, giá cả phù hợp. Trong báo cáo xây dựng chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ Thông tin và Truyền thông có đặt ra mục tiêu 70% thị phần dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam thuộc các nhà cung cấp dịch vụ trong nước. Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025. Và tính đến năm 2030 sẽ chiếm khoảng 30%. Để kinh tế số chiếm 20% GDP, kinh tế của ngành ICT dự kiến chiếm khoảng 6-6,5%. Trong đó doanh nghiệp điện toán đám mây dự kiến đóng góp 1% GDP.
Điều kiện để phát triển kinh tế số
Để phát triển kinh tế số thì hạ tầng số phải đi trước một bước để đảm bảo sẵn sàng. Hãy tạo động lực cho chính phủ số, kinh tế số, xã hội số phát triển. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có định hướng Việt Nam nỗ lực đạt được 70% thị trường điện toán đám mây trong nước. Chính phủ đang quyết liệt đẩy chuyển đổi số để phát triển kinh tế số, xã hội số.
“Muốn phát triển kinh tế số hay thúc đẩy ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) thì dữ liệu là quan trọng nhất. Muốn có dữ liệu thì phải có chỗ lưu trữ và xử lý dữ liệu. Ai sở hữu nền tảng lưu trữ dữ liệu thì chắc chắn thắng cuộc trong công cuộc chuyển đổi số đất nước”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.
Các dịch vụ Cloud ở Việt Nam được ưu tiên
Những chia sẻ từ Thứ trưởng Phạm Đức Long
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, nếu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây làm như cách các doanh nghiệp công nghệ thông tin làm trước đây về cung cấp dịch vụ thì không bao giờ đạt được kỳ vọng 1% GDP, đóng góp 20% vào kinh tế số. Do đó các doanh nghiệp phải tính toán, xem xét các lợi thế, chất lượng, dịch vụ, thị trường,… và đề xuất Nhà nước hỗ trợ để thúc đẩy thị phần.
Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị các doanh nghiệp điện toán đám mây phải hợp tác mạnh mẽ. Các doanh nghiệp chia theo nhóm làm nền tảng, hạ tầng, dịch vụ điện toán để hợp tác, phát triển. Làm việc theo nhóm để điện toán đám mây của Việt Nam mạnh lên. Hơn nữa, các nhóm sẽ được tập trung đầu tư để phát triển.
Ông cho biết cơ quan nhà nước sẽ đề xuất các chính sách hỗ trợ mở rộng thị trường nhưng doanh nghiệp phải chứng minh đảm bảo về công nghệ, kỹ thuật để cùng tiến tới hệ sinh thái toàn diện, liên kết. “Chúng ta muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, ông Long nói.
Văn bản thúc đẩy sự phát triển của đám mây được ban hành
Trước thực tế đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành một số văn bản để thúc đẩy sự phát triển của điện toán đám mây, như: bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật, để đánh giá và lựa chọn giải pháp điện toán đám mây phục vụ chính phủ điện tử; hướng dẫn dịch chuyển các hệ thống công nghệ thông tin hiện có lên điện toán đám mây. Đây cũng là định hướng để doanh nghiệp nội làm chủ công nghệ nền tảng điện toán đám mây, bảo đảm an toàn thông tin cho điện toán đám mây. Từ đó áp dụng, triển khai cho mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết đơn vị này được giao xây dựng Quy hoạch phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông giai đoạn 2021 – 2030 và định hướng đến năm 2050. Trong đó, có xây dựng dự báo, quy hoạch về phát triển hạ tầng điện toán đám mây đến năm 2025. Quy hoạch về hạ tầng điện toán đám mây dự kiến được xây dựng để thúc đẩy phát triển điện toán đám mây cho chính phủ số và hệ thống trung tâm dữ liệu (DC) phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.
Những định hướng xây dựng và phát triển DC
Phát triển hệ thống DC được dự kiến chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 2021 – 2026 đầu tư hệ thống DC theo cách tập trung về địa điểm. Đó là quy hoạch một số địa điểm trọng yếu để đảm bảo nguồn điện tốt, an ninh thông tin. Giai đoạn sau năm 2030 tập trung các siêu (hyper) DC. Việc tập trung này vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn an ninh thông tin.
Định hướng xây dựng hệ thống DC đáp ứng phát triển kinh tế số, xã hội số khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông đầu tư. Bộ Thông tin và Truyền thông không quy hoạch cứng, các Bộ sẽ ban hành các tiêu chí về DC. Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng tiêu chí về DC xanh. Nó nhằm đảm bảo tiết kiệm năng lượng, tăng trưởng xanh.
Bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công nghệ thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết hiện có một số chính sách ưu đãi như các cơ quan nhà nước mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Trong đó có dịch vụ điện toán đám mây thì phải dùng sản phẩm, dịch vụ trong nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang trình 2 bộ luật là Luật Viễn thông sửa đổi và Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó dự kiến có 1 chương về phát triển DC với các chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng và 1 chương phát triển dữ liệu, nguồn dữ liệu như thế nào thì được lưu trữ, kinh doanh… Mục tiêu của Luật Công nghiệp công nghệ số là hướng tới phát triển ngành công nghiệp dữ liệu.
Các doanh nghiệp điện toán đám mây Việt Nam hợp tác với nhau
Các doanh nghiệp điện toán đám mây trong nước cùng đồng thuận với những lợi thế của Việt Nam. Và sau đó đưa ra đề xuất để thúc đẩy thị phần điện toán đám mây.
Sự hợp tác là rất cần thiết
Theo ông Phan Hồng Tâm, Giám đốc Khối hạ tầng FPT Smart Cloud, công nghiệp công nghệ thông tin hiện đang được xếp chung với công nghiệp phần cứng, phần mềm. Vì vậy cần tách ra và cần có cơ chế hợp tác giữa các nhà cung cấp trong nước. Hơn nữa, một doanh nghiệp làm nghiên cứu và phát triển (R&D) một sản phẩm rất lâu và chậm. Do đó, các doanh nghiệp có thể hợp tác cùng nhau nghiên cứu và phát triển. Cùng tập trung đưa ra các sản phẩm, giải pháp để “đấu” với nhà cung cấp quốc tế tốt hơn.
Bày tỏ quan điểm cùng hợp tác phát triển, ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), chia sẻ: thế giới hiện đang tập trung vào một số nhà cung cấp điện toán đám mây lớn. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác thúc đẩy dùng chung càng nhiều thì chi phí sẽ rẻ hơn.
“Ngoài ra, điện toán đám mây hiện nay không chỉ nói về ba lĩnh vực hạ tầng như dịch vụ (IaaS), nền tảng như dịch vụ (PaaS), phần mềm như là dịch vụ (SaaS) mà xu hướng hiện nay đang đi vào AI, dữ liệu lớn nên việc xây dựng chính sách, quy hoạch thúc đẩy phát triển điện toán đám mây phải xem xét kỹ lưỡng. Điện toán đám mây chính phủ (G-Cloud), dữ liệu lớn… là những cái mới, là cơ hội cho Việt Nam”, ông Hy cho biết thêm.
Cần cấp phép hạ tầng đám mây để lưu trữ dữ liệu
Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết hạ tầng đám mây chắc chắn gắn chặt chẽ với chuyển đổi số, hạ tầng viễn thông, do vậy nên cần có quy hoạch và cấp phép hạ tầng đám mây để các đơn vị lưu trữ dữ liệu, cung cấp các dịch vụ có trách nhiệm như các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.
“Cần có nghị quyết của Chính phủ về triển khai điện toán đám mây, sử dụng dữ liệu. Quy hoạch hạ tầng điện toán đám mây đủ mạnh để cạnh tranh với các “ông lớn”. Bên cạnh đó, cần có định hướng các bộ, ban, ngành về sử dụng chung DC để tiết kiệm; hành lang pháp lý quản lý dữ liệu cá nhân để 5G, dịch vụ đám mây bùng nổ phát triển. Theo đó, cần có định hướng sâu của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông”, lãnh đạo Viettel nêu đề xuất.
Theo CMC, cần có những có tiêu chí riêng cho điện toán đám mây trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, fintech… Bộ Thông tin và Truyền thông có thể phối hợp với các bộ/ngành để đưa ra tiêu chí điện toán đám mây của các ngành để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây Việt Nam làm chuyên sâu hơn và phát huy được các lợi thế riêng của doanh nghiệp trong nước để xây dựng thị trường. Nhân lực làm việc trong ngành điện toán đám mây vẫn đang rất thiếu và chưa đáp ứng chất lượng.
Discussion about this post