Vào mùa hè, độ ẩm trong không khí khá cao tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các mầm bệnh như vi khuẩn, vi rút,… Trẻ dễ bị ốm vào mùa hè vì hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu. Vì vậy, cha mẹ nên đề phòng những bệnh thường gặp trong mùa hè cho trẻ. Các bệnh vào mùa hè thường lây lan qua đường hô hấp, ăn uống, hoặc do tiếp xúc với những nguồn lây nhiễm khác…
Tuy không phải là những bệnh nan y nhưng các bệnh thường gặp vào mùa hè nếu không phòng tránh và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nặng. Thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, và tốn kém để điều trị. Dưới đây là các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ mùa hè, các chuyên gia khuyên các bậc phụ huynh cần lưu ý để phòng tránh cho trẻ.
Mục Lục
Vào mùa hè trẻ dễ mắc viêm não Nhật Bản B
Đây là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh gây dịch về mùa hè do một loại Arbovirus nhóm B gây nên. Virus gây bệnh được muỗi truyền từ súc vật sang người. Bệnh viêm não nếu không phát hiện và điều trị kịp thời để lại di chứng thần kinh nặng nề hoặc tử vong. Các biểu hiện thường gặp là: sốt cao, đau đầu, nôn. Có trẻ chậm chạp, không hoạt động, co giật rồi đi vào hôn mê. Khi trẻ có những biểu hiện trên, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị. Nhằm hạn chế tỷ lệ tử vong và di chứng sau này. Để phòng bệnh cần cho trẻ tiêm chủng vacxin viêm não cho trẻ đúng lịch. Đồng thời giữ môi trường trong sạch, nằm màn khi ngủ, phun thuốc diệt muỗi.
Sốt virut là một bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa hè
Khi mắc bệnh trẻ thường sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, viêm đường hô hấp trên như: hắt hơi, sổ mũi, ho đờm trắng. Có thể có phát ban kèm theo thường xuất hiện sau sốt 2-4 ngày, ban lấm tấm, ngứa ít, ấn mất. Bệnh diễn biến thường lành tính. Điều trị chủ yếu bằng bù nước điện giải, hạ sốt. Đồng thời đảm bảo dinh dưỡng và chăm sóc mũi họng tốt để hạn chế bội nhiễm. Tuy nhiên có một số trường hợp có biến chứng, nên cần theo dõi để phát hiện các triệu chứng của viêm não, như đau đầu nhiều, buồn nôn, rối loạn ý thức…và các biến chứng khác như viêm phổi, viêm họng, viêm phế quản…
Bệnh tiêu chảy cấp
Nguyên nhân gây tiêu chảy có thể là vi khuẩn gây bệnh như vi khuẩn lỵ, thương hàn, tả… Hoặc do virut, nấm, ký sinh trùng đường ruột. Tiêu chảy cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 80% xảy ra ở trẻ < 2 tuổi. Tác nhân gây tiêu chảy thường gây bệnh bằng đường miệng: phân người bị tiêu chảy làm nhiễm bẩn thức ăn, nước uống hoặc do tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.
Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, quan trọng nhất là đánh giá mức độ mất nước và bù nước điện giải. Tùy mức độ để bù bằng đường uống hoặc truyền nước và điện giải. Việc sử dụng kháng sinh và các men tiêu hóa phải tuân theo chỉ định của bác sỹ. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc trị tiêu chảy.
Bệnh sốt xuất huyết (SXH)
Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Muỗi vằn là nguyên nhân lây lan bệnh, truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh thường gia tăng vào mùa mưa. Khi ở dạng nhẹ bệnh sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng,… Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến sốt xuất huyết dạng nặng. Có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.
Bệnh tay chân miệng (TCM)
Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh có khả năng lây lan rất cao và gây nhiều lo lắng cho gia đình có trẻ nhỏ. Bệnh liên quan đặc biệt đến vấn đề vệ sinh cá nhân và môi trường. Tay chân miệng trở nên nguy hiểm hơn nếu xuất hiện các biến chứng về thần kinh. Chẳng hạn như run chi, co giật, gồng người, hốt hoảng, lơ mơ,… Nếu trẻ gặp những biểu hiện này, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được kịp thời chữa trị.
Discussion about this post