Thịt lợn là thực phẩm được ưa chuộng bậc nhất trong dịp Tết Nguyên đán. Ngay từ trước đó vài tháng, các doanh nghiệp đã bắt đầu dự trữ thịt cho thị trường Tết. Tuy nhiên, năm nay doanh nghiệp không đổ vốn ồ ạt mà rất dè dặt. Sau một năm dịch bệnh, đa số người dân không có quá nhiều tài chính để tiêu dùng cho dịp Tết. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị từ trước, các doanh nghiệp đảm bảo sẽ cung ứng đủ cho nhu cầu của người dân. Đồng thời giá thịt lợn được dự đoán có sự tăng nhẹ so với ngày bình thường. Nhưng không thể đạt mức tăng đột biến như những năm trước đó.
Mục Lục
Doanh nghiệp đầu tư nguồn cung thịt lợn dịp Tết
Khác với mọi năm, nhiều doanh nghiệp (DN) cung cấp thịt lợn đang chuẩn bị nguồn cung cho dịp Tết trong trạng thái rất dè dặt. Các DN cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, giá thịt lợn có thể tăng. Nhưng nhìn chung không có sự đột biến. Bởi túi tiền của người dân sau một năm ảnh hưởng của dịch bệnh đang trở nên eo hẹp.
Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết, sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, nguồn hàng dự phòng của công ty hiện đã hết. Do vậy, để chuẩn bị hàng cho dịp Tết, doanh nghiệp (DN) đang đầu tư hơn 754 tỷ đồng để chuẩn bị 2.800 tấn thịt lợn (tăng 8% so với cùng kỳ năm trước) và 4.200 tấn thịt chế biến (tăng 6%).
Theo ông Dũng, dự báo sức mua của thị trường trong dịp Tết sắp tới sẽ giảm từ 10% – 20% so với năm trước. Đồng thời, giá thịt lợn trong dịp Tết sẽ duy trì ở mức ổn định, thấp hơn với mọi năm. Tuy nhiên, DN vẫn tăng dự trữ vì nếu nhu cầu tăng đột biến. DN xoay xở không kịp sẽ dẫn tới thiếu nguồn cung. Còn trong trường hợp sức mua giảm, DN sẽ đưa vào chế biến thực phẩm cho quý I năm sau.
Doanh nghiệp đáp ứng đủ nhu cầu thị trường
Để chuẩn bị nguồn cung thịt lợn cho dịp Tết, đại diện MM Mega Market Việt Nam cho biết; đơn vị đang tăng cường liên kết với các nông hộ. Đến nay, Mega Market Việt Nam đã có 2 trạm trung chuyển thịt lợn tại Đồng Nai và Hà Nội. Mỗi trạm liên kết với hơn 100 nông hộ và tổ hợp tác chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, DN lên kế hoạch dự trữ cho những mặt hàng thiết yếu nhiều hơn. Tăng 70-100% so với những tháng bình thường và tăng 20-30% so với dịp Tết Nguyên đán 2021.
Ông Kiều Minh Lực, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, dù thời gian qua dịch tả lợn châu Phi vẫn tái phát ở một số tỉnh, thành nhưng chủ yếu xuất hiện ở các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ. Các trang trại chăn nuôi lớn đã có kinh nghiệm nên đảm bảo cho đàn lợn phát triển an toàn. Với tình hình chăn nuôi hiện nay, lãnh đạo Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam cho rằng, không lo thiếu nguồn cung cho thị trường những tháng cuối năm trừ khi thị trường tiêu thụ thế giới biến động.
Dự đoán giá thịt lợn đến Tết Nguyên đán
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, dịp Tết Nguyên đán năm nay, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn sẽ tăng nhưng không bằng những năm trước. Hiện nay, hoạt động sản xuất, lưu thông diễn ra thuận lợi hơn.
Theo ông Trọng, từ nay đến Tết Nguyên đán, giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng. Nhưng chỉ dao động ở mức 55.000 – 60.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, hiện 16 doanh nghiệp (chiếm 23 – 24% tổng sản lượng) đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng cho dịp Tết nên giá lợn hơi sẽ rất khó đột biến. Sức mua của thị trường trong dịp Tết Nhâm Dần được dự báo sẽ giảm 10% – 20% so với năm trước. Giá thịt lợn sẽ ổn định, thấp hơn so với mọi năm.
Giá heo giảm có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính vẫn là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến lượng heo tồn đọng nhiều. Dù đã nới lỏng giãn cách xã hội, nhưng các chợ truyền thống chưa hoạt động lại bình thường nên việc tiêu thụ vẫn còn gặp khó. Hiện giá heo giống chỉ còn khoảng 500.000 đồng/con. Giảm 4-5 lần so với thời điểm các trại bắt con giống về nuôi. Thế nhưng, hiện nay không có mấy người mua heo giống về nuôi.
Discussion about this post