Thị trường nông sản nước ta luôn có giá cả bấp bênh vì đầu ra không ổn định. Doanh nghiệp và người nông dân ngày càng liên kết mạnh mẽ với nhau tạo đầu ra cho nông sản. Dưa lưới là một trong những cây trồng đang cho hiệu quả kinh tế cao tại Bình Thuận. Nhiều hộ nông dân đã xuống giống và chờ đón thành quả của vụ dưa Tết năm nay. Nhà nông đã được bao tiêu giá bởi doanh nghiệp nên không cần lo lắng đến biến động của thị trường. Thực sự dưa lưới là loại cây trồng rất khó chăm sóc, khó sinh trưởng tốt nên đòi hỏi người nông dân phải tốn nhiều công sức và chi phí trong quá trình trồng.
Mục Lục
Bình Thuận chờ đón vụ dưa Tết
Anh Nguyễn Văn Thịnh là chủ một trang trại có 2 nhà màng trồng dưa lưới rộng 4.000 m2 ở xã Hoà Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Trang trại của anh hiện đang tất bật vừa thu hoạch, phân loại, đóng thùng đưa đi tiêu thụ vừa chuẩn bị cho vụ dưa Tết. Sau giãn cách xã hội, thị trường nông sản dần bình thường trở lại. Trong đó, trái dưa lưới đang được tiêu thụ nhiều, giá cả cũng tăng đáng kể. Vì vậy, vụ dưa lưới cho Tết Nguyên đán Nhâm Dần tại Bình Thuận hứa hẹn đem lại nhiều lợi nhuận cho người trồng.
Dưa lưới là loại cây trồng “khó tính”. Nếu canh tác theo cách truyền thống, cây rất khó sinh trưởng và phát triển tốt. Do vậy, dưa lưới thường được canh tác trong nhà màng, nhà lưới sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Theo ông Thụ, việc trồng dưa lưới trong nhà màng giúp việc quản lý được dễ dàng, thuận tiện. Nhà màng còn giúp che mưa và ngăn côn trùng xâm nhập. Từ đó giúp giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, tạo ra nông sản sạch, đảm bảo sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng…
Người nông dân thành công từ trồng dưa lưới
Ngay từ năm 2019 khi bắt đầu trồng dưa lưới, anh Thịnh đã chọn cách ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp ở TP.HCM, chấp nhận bán giá bình ổn cả khi giá thị trường tăng cao. Vậy nên năm nay dù dịch bệnh gây ảnh hưởng nhiều; nhưng dưa lưới trang trại của anh Thịnh vẫn có đầu ra ổn định với giá 30.000 đồng/kg. “Nói chung làm dưa lưới ổn định, có lãi. Một mùa chi phí khoảng 120 triệu, thu vô khoảng hai trăm mấy, có khi trúng thì 300. Dưa này là mùa thứ 3. 2 nhà màng này một năm kiếm được 700 triệu trở lên”, anh Thịnh chia sẻ.
Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Minh Phát tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam có 4 nhà màng trồng dưa lưới và liên kết canh tác với 15 nhà màng khác của nông dân trong vùng. Anh Nguyễn Bình Minh, Giám đốc công ty cho biết, hiện công ty và các hộ liên kết đã xuống 20.000 cây dưa chuẩn bị cho vụ Tết. Ai cũng háo hức chờ vụ dưa này để bù đắp những khó khăn vừa qua.
“Một số nhà vườn vừa rồi gặp rất nhiều khó khăn. Mọi người rất háo hức quay trở lại để sản xuất đón đầu vụ Tết này để bù đắp lại những khó khăn trong đợt dịch vừa qua. Cũng may mắn giá kỳ này phục hồi khá nhanh, thậm chí còn cao hơn trước dịch”, anh Nguyễn Bình Minh nói.
Cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao
Dưa lưới hiện đang là cây trồng mới ở Bình Thuận trong vòng 2 năm trở lại đây. Chủ yếu trồng trong nhà màng. Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng có vốn đầu tư ban đầu tương đối cao (400 triệu đồng/1000 m2) nhưng bù lại dưa cho năng suất, chất lượng trái tốt, bán được giá nên khả năng thu hồi vốn nhanh. Chỉ cần trúng mùa 4 vụ dưa, bán được giá, thì nông dân có thể thu hồi vốn và thậm chí có lãi. Hiện Bình Thuận có khoảng 80ha làm nhà màng trồng dưa lưới. Trong đó một nửa diện tích này đang xuống giống dưa Tết.
“Trong thời gian tới, ngành phối hợp với địa phương theo dõi thị trường. Cũng như tập trung liên kết sản xuất gắn với doanh nghiệp. Nhằm để làm sao việc tiêu thụ có hiệu quả bền vững. Từ đó, khuyến cáo cho bà con sản xuất theo tiến độ thị trường, có đầu ra bền vững hơn trong thời gian tới”, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết.
Nông dân và chủ các nhà màng trồng dưa lưới ở Bình Thuận dốc sức cho vụ dưa Tết. Với giá cả tương đối như hiện nay, thì thu nhập từ vụ dưa hứa hẹn đem đến cho nhiều gia đình một cái Tết sung túc và cơ hội mở rộng sản xuất.
Discussion about this post