Vào mùa đông, trời trở lạnh, không khí ẩm và mưa nhiều. Đây là những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đặc biệt là trẻ em, do cơ thể còn non yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ mắc bệnh. Vì vậy, trẻ em cần được bảo vệ và chăm sóc trong những ngày đông giá rét để phòng tránh những căn bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, mỗi năm có hơn 10 triệu trẻ em chết khi bị nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như cúm, viêm họng, viêm phế quản,… Việt Nam là nước có tỷ lệ trẻ mắc các bệnh hô hấp khá cao, nhất là thời điểm chuyển giao sang mùa lạnh.
Mục Lục
Một số bệnh trẻ thường dễ mắc vào mùa lạnh
Bệnh cúm theo mùa
Cảm cúm là bệnh về đường hô hấp mà trẻ nhỏ hay mắc phải. Đặc biệt bệnh rất dễ lây lan nhất là vào mùa đông, thời tiết lạnh giá. Trẻ bị cảm cúm thường có một số triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi, chảy nước mũi, sốt cao, đau họng, ho và chán ăn.
Viêm phế quản ở trẻ
Có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, thường sau khi thay đổi thời tiết nhưng ở trẻ nhỏ rất dễ hay mắc phải. Khi bị viêm phế quản, trẻ cảm thấy khó thở, hơi thở nặng nhọc. Trẻ hay khò khè trong họng, ho nhiều, rát họng, có đờm và bị chảy nước mũi. Khi trẻ ho có đờm trắng vàng đục, cần phải đưa đi khám ngay. Tránh trường hợp bé bị nhiễm trùng thứ cấp.
Bệnh tiêu chảy
Khi bị bệnh, trẻ sẽ có biểu hiện bị nôn trước. Sau khoảng 1 – 2 ngày thì bắt đầu bị đi ngoài. Bệnh có thể kèm theo triệu chứng ho, sốt. Vì vậy nhiều phụ huynh dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm đường hô hấp hoặc viêm mũi họng. Bệnh thường kéo dài khoảng từ 3 đến 7 ngày. Biến chứng nguy hiểm nhất là bé bị mất nước, mất muối quá nhiều. Từ đó dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm khác nếu không được bù nước kịp thời.
Bệnh viêm mũi thường gặp ở trẻ lúc thời tiết giao mùa
Viêm mũi là bệnh trẻ thường gặp vào thời tiết giao mùa. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm tai, viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp. Khi trẻ bị viêm mũi, người chăm trẻ cần dùng dung dịch nước muối 0,9%, ngày 3 – 4 lần nhỏ cho đến khi trẻ hết chảy nước mũi.
Bệnh viêm họng
Viêm họng là tình trạng viêm nhiễm ở niêm mạc họng. Nguyên nhân do môi trường không sạch, nhiều khói bụi, ẩm thấp và do thời tiết lạnh. Bệnh có những triệu chứng điển hình như: sốt, khô và đau rát cổ họng, ho khan hoặc ho có đờm, chảy nước mũi, đau đầu. Bệnh có thể gây biến chứng viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm VA, viêm phế quản,…
Viêm phổi là bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa đông lạnh
Không giống như các bệnh mùa đông thông thường khác, viêm phổi thường do nhiễm vi khuẩn. Bệnh có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Đôi khi bệnh bắt đầu như bệnh cảm lạnh, sau đó có dấu hiệu nặng hơn. Nếu trẻ bị cảm lạnh trong vài ngày và đột nhiên bị sốt cao, ho nặng hơn. Đây có thể là dấu hiệu của viêm phổi, cần cho trẻ đến ngay các cơ sở y tế để khám.
Bệnh viêm da dị ứng
Viêm da dị ứng có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do hệ miễn dịch non yếu, làn da trẻ mỏng manh dễ bị tác động. Thống kê số trường hợp viêm da dị ứng tại Việt Nam, có khoảng 30% trẻ mắc bệnh này. Bệnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa thu đông, có thể chấm dứt khi trẻ 5 tuổi. Một số ít trường có thể hợp kéo dài đến khi trưởng thành. Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh gồm da nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, có thể chảy dịch, phù nề,… Một số trẻ có thể ho, sốt, chán ăn và sụt cân.
Trẻ thường mắc bệnh sởi vào mùa lạnh
Ngay từ những tuần đầu tiên năm 2019, dịch bệnh sởi đã bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, thống kê của WHO ghi nhận 59/63 tỉnh thành rải rác các ca bệnh sởi. Chủ yếu là ở trẻ em dưới 10 tuổi. Trong đó khoảng 98,7% trường hợp chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không lưu lịch sử tiêm chủng. Nhất là các tỉnh thành vùng sâu, vùng xa.
Các triệu chứng đặc trưng của sởi là sốt, sổ mũi, ho khan, phát ban, viêm kết mạc… Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Chẳng hạn như khô loét giác mạc mắt, viêm não, viêm tai giữa, viêm phổi…
Cách phòng các bệnh vào mùa lạnh cho trẻ
Để phòng chống các bệnh trên, các bậc cha mẹ nên cho trẻ tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch với một số bệnh đã có vắc xin. Cùng với đó phải giữ ấm cho trẻ, nhất là giữ ấm bàn tay, bàn chân, ngực, đầu, cổ của trẻ. Nên cho trẻ uống đủ nước và uống nước ấm hàng ngày và không cho ăn đồ lạnh; bổ sung vào thực đơn hàng ngày của trẻ những thực phẩm giàu protein, vitamin C từ rau xanh và quả chín.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên và vệ sinh thân thể cho trẻ hàng ngày và đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc. Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, giữ môi trường không khí trong nhà sạch sẽ, thoáng mát. Cho trẻ vận động ngoài trời hợp lý nhưng hạn chế đến nơi đông người và tránh cho trẻ tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm và khói thuốc lá, than, bụi, không khí ô nhiễm.
Cần lưu ý, khi cho trẻ dùng thuốc phải theo sự chỉ định của bác sỹ. Đặc biệt, khi trẻ có các dấu hiệu bệnh nặng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay như: tím tái, bỏ bú hoặc bú kém, không ăn uống được, ngủ li bì – khó đánh thức, co giật, thở có tiếng rít… cần đưa ngay trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và xử lý kịp thời.
Discussion about this post